Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Mặt_trận_Rzhev-Sychyovka-Vyazma

Kết quả

Cuộc chiến kéo dài 15 tháng tại khu vực mặt trận Rzhev-Sychyovka-Vyazma phía tây Moskva có vai trò quan trọng không kém Chiến dịch Stalingrad trong Chiến tranh Xô-Đức. Tầm quan trọng đó không chỉ ở tổng quân số được huy động trong các chiến dịch thành phần mà còn có ý nghĩa quan trọng ở các khía cạnh quân sự - chính trị, quân sự - ngoại giao và một phần vấn đề quân sự - kinh tế.

Về vị thế quân sự - chính trị

Sau 14 tháng quân đội Đức Quốc xã chĩa "khẩu súng ngắn Rzhev - Vyazma" vào trái tim của đất nước Xô Viết, đến tháng 3 năm 1943, "khẩu súng" đó được loại bỏ. Kết cục của 14 tháng giao tranh đó là quân đội Đức Quốc xã đã mất đi một vị trí quân sự tạo thế chủ động rất quan trọng trên mặt trận Xô-Đức mà chính người Đức đã đánh giá nó là "nền tảng của mặt trận phía đông".[11] Dĩ nhiên, sự đánh giá như trên của Horst Grossman có phần hạn hẹp vì đối với quân đội Đức Quốc xã, những cơ sở kinh tế - quân sự của vùng công nghiệp Donbass, của vùng dầu mỏ Bắc Kavkaz - Baku, của tuyến giao thông huyết mạch trên sống Đông và sông Volga, của các vùng sản xuất lúa mỳ ở Ukraina, ở đồng bằng Kuban... cũng đều là những nền tảng quan trọng cả. Chúng chỉ khác nhau về ý nghĩa trên từng lĩnh vực. Điều đó khiến người ta dễ hiểu rằng tại sao Tổng thanh tra các lực lượng xe tăng của quân đội Đức Quốc xã Heinz Guderian đã đặt ra cho Adolf Hitler câu hỏi: "Có thật là chúng ta cần phải tấn công Kursk và tập trung vào mặt trận phía đông trong năm nay? Liệu trên thế giới này có ai biết Kursk nằm ở chỗ nào? Cả cái thế giới này chả cần quan tâm việc chúng ta có lấy được Kursk hay không. Thế thì lý do gì mà chúng ta cần phải tấn công ở Kursk, và hơn nữa, tấn công trên toàn Mặt trận phía đông trong năm nay?". Nếu hiểu sâu xa quan điểm của Heinz Guderian thì người Đức đã bỏ Rzhev-Vyazma là một vị trí chiến lược quan trọng để đem quân đi đánh chiếm một vị trí mà chẳng có tầm quan trọng chiến lược gì về chính trị mà chỉ có ý nghĩa thuần túy quân sự tại Kursk.[70] Do đó, xét về tất cả các yếu tố thì cuộc rút quân của quân đội Đức Quốc xã trong Chiến dịch "Con Trâu" dù có thành công về chiến thuật (bảo toàn được phần lớn binh lực, thu hẹp chính diện mặt trận) nhưng vẫn là thất bại về chiến lược quân sự - chính trị xét theo góc độ toàn bộ cuộc chiến.[71]

Thu hồi khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma, quân đội Liên Xô không những đã loại trừ hoàn toàn các nguy cơ quân sự trực tiếp đe dọa Thủ đô Moskva từ phía quân đội Đức Quốc xã mà còn tiến đến những cửa mở quan trọng để đánh chiếm Smolensk, Gomel, mở đường tiến ra lãnh thổ Byelorussia, đẩy mặt trận ra khỏi lãnh thổ Nga ở khu vực trung tâm mặt trận. Cho dù hoạt động quân sự tại khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma là những chiến dịch không thành công hoặc chỉ thành công một phần nhưng kết cục của các hoạt động đó vẫn đem lại cho quân đội Liên Xô những lợi thế không nhỏ trên chiến trường và họ đã nắm trong tay quyền chủ động chiến lược.[72]

Về thương vong và tổn thất vật chất

Các chiến dịch ở khu vực mặt trận Rzhev-Sychyovka-Vyazma thực sự đã làm "tốn máu" không nhỏ cho cả hai bên. Quân số ban đầu của hai bên tham gia các chiến dịch đầu tiên đều dưới 1.000.000 người. Theo A. M. Vasilevsky quân đội Đức Quốc xã có hơn 800.000 người, 10.400 pháo và súng cối, gần 1.000 xe tăng và hơn 600 máy bay; quân đội Liên Xô có khoảng 760.000 người 5.200 pháo và súng cối, 415 dàn Katyusha, 670 xe tăng và 860 máy bay.e[›] [73]. Grigoriy Krivosheev tổng kết quân số lớn hơn của cả hai Phương diện quân Tây và Kalinin trong các chiến dịch đầu năm 1942 (bao gồm cả chiến dịch "Sao Mộc"), gồm 1.059.200 người.[74] Theo V. V. Beshanov, đến Chiến dịch Sao Hỏa (cuối năm 1942), hai bên đã huy động tổng quân số lên đến hơn 2.500.000 người. Trong đó, quân đội Liên Xô có 1.890.000 người, 24.000 pháo và súng cối, 3.375 xe tăng, 1.100 máy bay; quân đội Đức Quốc xã có 1.680.000 người, đến 3.500 xe tăng.[60] A. V. Isaev đưa ra con số chính xác hơn, cụ thể đến từng tập đoàn quân của quân đội Liên Xô trong chiến dịch Sao Hỏa. Trong đó, Phương diện quân Tây có 769.436 người, Phương diện quân Kalinin có 552.714 người (tổng cộng 1.321.850 người) được trang bị 1.615 xe tăng.[57] Với quân số lớn như vậy tham gia các chiến dịch thì tổng số thương vong cao là điều khó tránh khỏi trong chiến tranh. Vấn đề còn lại là tỷ lệ thương vong.

Tổn thất của quân đội Liên Xô

Cho đến nay, vẫn không có tài liệu chính thức nào tổng kết (một cách tương đối chính xác) thương vong của hai bên trong các chiến dịch tại khu vực mặt trận Rzhev-Sychyovka-Vyazma. Kết quả nghiên cứu của Grigoriy Krivosheev cho biết tổn thất của quân đội Liên Xô trong các chiến dịch đầu năm 1942 (bao gồm cả chiến dịch "Sao Mộc") là 272.320 người chết, 504.569 người bị thương; số người chết chiếm tỷ lệ 25,7% so với tổng quân số tham gia ban đầu.[74] Theo V. V. Beshanov, tổn thất của quân đội Liên Xô trong Chiến dịch Rzhev-Sychyovka là 193.683 người chết và bị thương[49] và đến Chiến dịch Sao Hỏa thì lên đến 250.000 người chết và bị thương cùng khoảng 800 xe tăng bị phá hủy hoặc bị hỏng.[60] Theo A. V. Isaev thì tổn thất của quân đội Liên Xô trong chiến dịch Sao Hỏa thấp hơn, gồm 70.340 người chết và 145.300 người bị thương.[57]

Nếu tổng hợp các kết quả trên đây có thể thấy trong 14 tháng từ tháng 1 năm 1942 đến tháng 3 năm 1943, trên mặt trận Rzhev-Sychyovka-Vyazma, quân đội Liên Xô có tổng tổn thất từ 1.186.640 đến 1.220.482 người chết và bị thương. Đối chiếu với quân số tham gia, tỷ lệ thương vong của quân đội Liên Xô ở các chiến dịch đầu năm 1942 (bao gồm cả chiến dịch "Sao Mộc"), lên đến 75,2% tổng quân số (trong đó có 25,7% tử vong). Mặc dù có tổng thương vong cao nhưng trong Chiến dịch Sao Hỏa, quân đội Liên Xô chỉ tổn thất không quá 13,2% quân số (trong đó, số tử vong không quá 6%). Bằng các tài liệu thu thập được từ Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Nga, Tiến sĩ A. V. Isaev đã tổng kết lại một lần nữa tổn thất của quân đội Liên Xô trong tất cả các hoạt động quân sự tại khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma từ tháng 1 năm 1942 đến tháng 3 năm 1943 gồm 392.554 người chết và 768.233 người bị thương.[75]

Tổn thất của quân đội Đức Quốc xã

Các tác phẩm nghiên cứu của nhiều nhà sử học quân sự chỉ đưa ra con số ước tính đối với thương vong của quân đội Đức Quốc xã tại khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma từ tháng 1 năm 1942 đến tháng 3 năm 1943. Theo các nghiên cứu của Mikhail Yuryevich Myagkov, từ ngày 8 tháng 1 năm 1942 đến 30 tháng 3 năm 1942, quân đội Đức Quốc xã tại khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma tổn thất khoảng 330.000 người chết, hơn 450.000 người bị thương.[5]. A. V. Isaev tổng kết từ tháng 1 đến tháng 2 năm 1942, tại khu vực này, quân Đức mất 253.600 người chết (trong tổng số 375.200 người chết từ tháng 12-1941 đến tháng 2-1942), 4.241 xe tăng, 1.942 đại bác, 8.552 pháo chống tăng bị phá hủy.[16] Trong tác phẩm mới nhất "Về thiệt hại của Liên Xô trong cuộc chiến tại chỗ lồi Rzhev" đăng trên Tạp chí "Lịch sử hiện đại" (Moskva, Nga) tháng 7 năm 2012; tiến sĩ A. V. Isaev cho biết thêm con số tổn thất 53.000 quân Đức bị chết chỉ riêng trong các cuộc tấn công tháng 8 - tháng 9 của quân đội Liên Xô tại khu vực Rzhev-Sychyovka.[75]

Tác giả Đức, tướng về hưu Grossman Horst trong cuốn sách "Rzhev, nền tảng của Mặt trận phía đông" (Nhà xuất bản Người lao động - Rzhev - 1996) không tổng kết toàn bộ thiệt hại của quân đội Đức Quốc xã tại khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma nhưng đã cung cấp một vài thông tin cục bộ. Theo ông này, từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 9 tháng 8, một tiểu đoàn bộ binh Đức trên tuyến đầu chỉ còn 1 sĩ quan chỉ huy và 22 lính; trong đó ngày 28 tháng 8 có tiểu đoàn chỉ còn lại 1 sĩ quan chỉ huy và 12 lính (tương đương tiểu đội). Grossman Horst cũng cho biết trong Chiến dịch Sao Hỏa, có khoảng 40.000 sĩ quan và binh lính Đức chết và bị thương.[11]

Theo các báo cáo thương vong trên các mặt trận của quân đội Đức Quốc xã tại Trung tâm lưu trữ tài liệu quốc gia Cộng hòa Liên bang Đức, từ tháng 3 năm 1942 đến tháng 3 năm 1943, các tập đoàn quân 2, 4, 9, xe tăng 2, xe tăng 3 và xe tăng 4 (riêng tập đoàn quân xe tăng 4 chỉ tính đến hết tháng 4 năm 1942) đã có con số tổn thất lên đến 162.713 người chết, 35.650 người mất tích, 469.747 người bị thương. Số quân chết trong quá trình điều trị tại các bệnh viện không thống kê được.[76][77] Tổng hợp các số liệu trên cho thấy tổn thất của quân đội Đức Quốc xã trên mặt trận Rzhev - Sychyovka - Vyazma trong 14 tháng có thể lên đến trên 452.000 người chết, mất tích và 469.747 người bị thương.

Đánh giá

Quân đội Liên Xô

Những điểm mạnh

Quân đội Liên Xô đã phát huy được những chiến quả trong giai đoạn phản công chiến lược tại khu vực Moskva trong mùa đông 1941-1942 nên đã tạo được nhưng ưu thế trên các địa đoạn quan trọng của mặt trận. Cuộc tấn công của Phương diện quân KalininPhương diện quân Bryansk phối hợp với cánh trái của Phương diện quân Tây đã tạo ra được mối uy hiếp từ hai bên sườn Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) buộc Cụm tập đoàn quân này phải phân tán bớt lực lượng để đối phó, làm giảm sức ép của quân Đức lên hướng Tây Moskva, hướng chiến lược sống còn đối với Thủ đô Liên Xô. Các cấp chỉ huy tập đoàn quân Liên Xô đã bắt đầu học được cách tập trung binh lực để giáng đòn đột kích trên những địa đoạn quan trọng nhằm đột phá tuyến phòng thủ của quân Đức hoặc tạo ra lợi thế đứng chân trên những địa bàn có sức không chế đối với khu vực mặt trận được phân công. Việc sử dụng các quân đoàn xe tăng làm lực lượng đột kích chủ yếu đã dần thay thế cho việc sử dụng xe tăng để yểm hộ cho bộ binh như đã diễn ra trong giai đoạn phòng thủ Moskva cuối năm 1941.[78]

Các chỉ huy Phương diện quân, tập đoàn quân và các quân đoàn Liên Xô đã bước đầu học tập và thực hành phương thức chỉ đạo tác chiến hợp đồng binh chủng gồm bộ binh, kỵ binh, thiết giáp. Từ tháng 5 năm 1942, trong biên chế các Phương diện quân Liên Xô bắt đầu có các tập đoàn quân không quân, có nhiệm vụ yểm hộ các đơn vị mặt đất dưới sự chỉ huy trực tiếp của tư lệnh các phương diện quân. Họ không còn phải "hỏi xin" không quân từ Đại bản doanh, trừ lực lượng không quân ném bom chiến lược tầm xa vẫn trực thuộc Đại bản doanh như trước.[79]

Quân đội Liên Xô, vượt qua giai đoạn khủng hoảng nửa cuối năm 1941 đã bắt đầu chú trọng đến việc xây dựng các tập đoàn quân dự bị. Không kể 4 tập đoàn quân được rút từ Viễn Đông và Trung Á đưa đến khu vực Moskva cuối năm 1941, trong năm 1942 và đầu năm 1943, quân đội Liên Xô đã xây dựng được 18 tập đoàn quân dự bị, tái trang bị cho 9 tập đoàn quân. Trong đó, khu vực mặt trận Rzhev-Sychyovka-Vyazma được tăng cường 3 tập đoàn quân dự bị, 3 tập đoàn quân khác được tái trang bị trong quá trình tác chiến. Mặc dù không phải lúc nào các sư đoàn trên tuyến đầu cũng có đủ biên chế tiêu chuẩn nhưng việc thường xuyên bổ sung binh lực đã bảo đảm duy trì sức chiến đấu của các sư đoàn trên tuyến đầu, tránh được tình trạng thiếu hụt quá lớn, dẫn đến mất sức chiến đấu nghiêm trọng như giai đoạn cuối năm 1941. Nhờ đó, các chỉ huy quân đội Xô Viết có đủ điều kiện binh lực và phương tiện để phòng ngự tích cực và bắt đầu tính toán đến những chiến dịch phản công lớn.[80]

Những điểm yếu

Không ai khác, chính Nguyên soái G. K. Zhukov là người tự kiểm điểm đầu tiên về những mặt không thành công của quân đội Liên Xô trong các chiến dịch tại khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma trong thời gian do ông chịu trách nhiệm lãnh đạo Phương diện quân Tây từ ngày phòng thủ Moskva cho đến ngày 27 tháng 8 năm 1942. Ông viết:

Ngày nay, nghiêm khắc kiểm điểm lại những sự kiện năm 1942, tôi thấy rằng mình đã có khuyết điểm trong việc đánh giá tình hình tại khu vực Vyazma. Chúng tôi đã đánh giá khả năng của ta quá cao và đã đánh giá địch thấp đi. Quả "hồ đào" ở đó còn vững chắc hơn những điều ta dự kiến
— G. K. Zhukov.[80]

Quân đội Liên Xô không thiếu sinh lực và lòng quả cảm, nhưng cái mà họ thiếu là vũ khí. Cuộc bại trận tại cả ba hướng Baltic, Byelorussia và Tây Ukraina từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1941, ngoài những tổn thất về sinh lực, đã để lại hậu quả nghiêm trọng về số tài sản quân sự bị mất. Nguồn dự trữ chiến lược của quân đội Liên Xô trong nửa đầu năm 1942 vẫn còn rất mỏng. Trong giai đoạn phòng thủ Moskva cũng như giai đoạn phản công tháng 11, 12 năm 1941, tư lệnh các Phương diện quân phải "hỏi xin" Tổng tư lệnh tối cao từng khẩu tiểu liên, súng chống tăng cá nhân cho đến pháo chống tăng, đạn pháo và súng cối. Trong tháng 1 và tháng 2 năm 1942, Phương diện quân Tây chỉ nhận được 55% đạn cối 82 mm, 36% đạn cối 120 mm, 44% đạn pháo. Trong các chiến dịch tấn công từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1942, tiêu chí đạn pháo cho mỗi khẩu đội pháo nòng dài được quy định không quá 2 viên/ngày.[54] Việc thiếu đạn pháo trong tấn công đã làm cho hệ thống hỏa lực của quân Đức không bị tiêu diệt, ít nhất cũng không bị chế áp, dẫn đến thương vong lớn cho quân đội Liên Xô trong các trận tấn công từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1942 và kết quả là không thực hiện được mục tiêu chiến dịch.[80]

Không chỉ đạn pháo mà đạn của các loại súng bộ binh cũng rất thiếu. Trong "cơn đói đạn" của quân đội Liên Xô tại khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma đầu năm 1942, mỗi cơ số đạn chỉ có 3 viên cho 1 khẩu súng trường, 30 viên cho một khẩu tiểu liên, 300 viên cho một khẩu trung liên và 600 viên cho một khẩu đại liên. Sự thiếu hụt đạn pháo đã làm cho các tư lệnh quân đoàn, tập đoàn quân, để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ đã sử dụng một số đơn vị xe tăng thay cho pháo binh để bắn chuẩn bị mở đầu cho các cuộc tấn công. Việc sử dụng xe tăng không chức năng như vậy cùng lối tư duy cũ kỹ kiểu người Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất với phương châm "pháo binh tiêu diệt, bộ binh đánh chiếm" đã làm giảm đáng kể sức chiến đấu của các đơn vị xe tăng, làm cho chúng không còn đủ sức mạnh hỏa lực và nhiên liệu khi tiến hành đột phá sâu vào các tuyến phòng ngự của quân đội Đức Quốc xã.[67]

Mặc dù tung ra một số lượng xe tăng đáng kể trên mặt trận Rzhev-Sychyovka-Vyazma nhưng số lượng xe tăng chất lượng kém, độ tin cậy không cao của quân đội Liên Xô vẫn còn rất lớn. Số xe tăng kiểu cũ và hạng nhẹ trong các phương diện quân Tây, Kalinin và Bryansk vẫn còn đến 68%. Trong tổng số xe tăng, có từ 41 đến 55% xe tăng hỏng cần phải sửa chữa. Phương diện quân Tây đã phải thu hồi 264 xe tăng bị lỗi và chỉ sơ tán được 322 xe tăng bị bắn hỏng trong chiến đấu để sửa chữa, phục hồi. Tất cả những điều đó cho thấy rằng các chiến dịch của quân đội Liên Xô trên khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma trong năm 1942 đã không được chuẩn bị đầy đủ về vũ khí, phương tiện và hậu cần đảm bảo để có thể kéo dài chiến dịch đến khi kết thúc thắng lợi.[53]

Điểm yếu cuối cùng và cũng là lớn nhất của quân đội Liên Xô trong năm 1942 tại khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma là sự chỉ đạo tác chiến chiến lược giữa các Phương diện quân. Chiến dịch phản công Rzhev-Vyazma (1942)Chiến dịch phản công Mozhaysk-Vyazma lẽ ra phải được tập trung chỉ đạo vào một cơ quan chỉ huy và thống nhất trong một kế hoạch tác chiến thì Đại bản doanh mà trực tiếp là I. V. Stalin lại giao riêng cho từng phương diện quân và tổ chức thực hiện theo kế hoạch riêng. Kết quả là hai phương diện quân mạnh nhất ở hướng Tây đã không thể phối hợp ăn ý với nhau. Tập đoàn quân 39 và Quân đoàn kỵ binh 11 đã không gặp được Tập đoàn quân 20 tại Sychyovka và Tập đoàn quân Xung kích 1 tại Osuga như kế hoạch dự kiến. Đã thế, ngày 19 tháng 1, I. V. Stalin đã rút Tập đoàn quân xung kích 1 khỏi Phương diện quân Tây với lý do "hết sức vu vơ". Hành động này đã làm yếu cánh phải của Phương diện quân Tây và kế hoạch hợp vây 4 quân đoàn Đức trong khu vực Olenino - Rzhev - Osuga thất bại.[81] Cũng thuộc về sai lầm trong chỉ đạo tác chiến chiến lược của I. V. Stalin và các tướng lĩnh Liên Xô là tham vọng quá lớn nhưng sức lực lại có hạn. Quân đội Liên Xô vừa mới hồi phục sau những thất bại nặng nề hồi hè-thu 1941 và việc nó đứng vững và đánh bật quân Đức khỏi chân thành Moskva đã là một điều ngoài sức tưởng tượng của đối thủ của nó. Mặc dù "ngồi chờ thụ động và nguyền rủa bóng tối" còn tệ hại hơn việc "hãy bật diêm lên" nhưng mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ phải phù hợp với sức lực hiện có là điều cần tính toán kỹ. "Yêu cầu một người mới ốm dậy vác một bao lúa mỳ nặng vài chục put là điều khó có thể thực hiện được".[82]

Việc chậm rút quân tại các địa điểm có nguy cơ bị bao vây vẫn là căn bệnh "tái phát" từ chiến lược quân sự của Liên Xô nửa cuối năm 1941. Trong tất cả các trường hợp bị bao vây, chỉ có Quân đoàn kỵ binh 11, Quân đoàn xe tăng 6 được coi là phá vây tương đối thành công.[83] Cuộc rút quân của các tập đoàn quân 33 và 41 tuy thực hiện sớm nhưng do không giữ được bí mật và chọn hướng sai đã gây thiệt hại lớn. Việc để cho Tập đoàn quân 39 và Quân đoàn kỵ binh 11 rút quân muộn là lỗi của Đại bản doanh khi họ giữ các đơn vị này tại khu vực Kholm-Zhirkovsky với hy vọng các đơn vị này sẽ tấn công phối hợp từ phía tây trong Chiến dịch phản công chiến lược Rzhev-Sychyovka.[84]

Quân đội Đức Quốc xã

Những điểm mạnh

Trong các chiến dịch tại Rzhev-Vyazma từ mùa hè đến mùa đông năm 1942-1943, quân đội Đức Quốc xã đã có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều so với mùa đông 1941-1942. Trong đó, việc cải tiến vũ khí trang bị từ súng tiểu liên, pháo cho đến xe tăng, máy bay đều có thể bảo đảm cho những thứ đó hoạt động tốt trong mùa đông Nga lạnh giá. Bộ Tổng tư lệnh tối cao lục quân Đức (OKH) đã tăng viện kịp thời cho Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) bằng 13 sư đoàn lấy từ Tây Âu, Đông Âu và nước Đức sang, giúp cho Cụm tập đoàn quân này duy trì được sức chiến đấu sau nhưng tổn thất to lớn hồi mùa đông 1941-1942. Trong đó, bổ sung 300.000 quân lần lượt được đào tạo trong các tháng 1, 2, 3 năm 1942, mỗi tháng 100.000 quân; đồng thời điều động đến Cụm tập đoàn quân Trung tâm các sư đoàn cơ giới "Adolf Hitler", trung đoàn cơ giới "Grossdeutschland", tăng cường thêm cho các sư đoàn xe tăng 22, 23, 24, 25 và sư đoàn cơ giới 10 mỗi sư đoàn một trung đoàn xe tăng.[85] Ngày 27 tháng 1, Bộ Tổng tham mưu lục quân Đức tiếp tục tăng viện cho mặt trận phía đông 6 sư đoàn xe tăng, trong đó cho Cụm tập đoàn quân Trung tâm nhận 3 sư đoàn xe tăng. Ngoài 6 sư đoàn bộ binh ở phía tây đã được điều động sang phía đông từ ngày 5 tháng 1 năm 1942, trong tháng 1 năm 1942 sẽ tiếp tục điều động từ phía tây sang mặt trận phía đông thêm 4 sư đoàn nữa.[9]

Sau khi thua trận trước ngưỡng cửa Moskva cuối năm 1941 và phải rút khỏi tuyến sông Lama tháng 1 năm 1942, các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Đức Quốc xã đã rút được nhiều kinh nghiệm trong tác chiến phòng ngự. Hơn 85.000 công binh đã được huy động để thiết lập các tuyến phòng ngự có chiều sâu trên khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma. Các tuyến đường sắt Rzhev-Sychyovka-Vyazma, Smolensk - Vyazma, Smolensk - Spas-Demensk là như các trục giao thông trọng yếu đã được sử dụng triệt để và bảo vệ chu đáo để cơ động quân đội trong phòng ngự, đặc biệt là cơ động xe tăng. Trong các trận phản kích, quân đội Đức Quốc xã đều đặt trọng tâm vào việc giải tỏa các trục đường sắt và đường bộ chiến lược, "nhường lại" cho đối phương kiểm soát các khu vực đầm lầy và các khu rừng rậm rạp nếu chưa đủ lực lượng để "tảo thanh". Nhờ các tuyến phòng ngự có chiều sâu, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đã ngăn chặn có hiệu quả lối đánh "bóc vỏ" của các phương diện quân Tây, Kalinin và Bryansk (Liên Xô), buộc đối phương phải dừng lại trên một hoặc hai tuyến phòng ngự vòng ngoài, sau đó dùng lực lượng xe tăng cơ giới mạnh phản kích để chiếm lại. Khi quân đội Liên Xô chậm rút các đơn vị bị chia cắt, người Đức đã tận dụng cơ hội này để bao vây, đánh thiệt hại nặng các tập đoàn quân này. Mặc dù không đạt được thành công như trong các chiến dịch hợp vây lớn trong hè thu năm 1941 nhưng ít nhất, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) cũng "nhổ" được hai "cái dằm" lớn phía sau lưng họ tại khu vực Dorogobuzh và Kholm-Zhikovsky, làm cho quân đội Liên Xô không thể biến những nơi này thành các bàn đạp tấn công vào hậu tuyến của họ.[86]

Cuộc rút quân đầu năm 1943 được người Đức tiến hành khá chu đáo, trong kế hoạch rút quân đã quy định cụ thể 3 tuyến trung gian trước khi chốt giữ tại tuyến cuối cùng từ Ribshevo - Safonovo - Milyatino. Mặc dù bị thiệt hại hơn 20.000 quân chết, mất tích và bị thương[87] nhưng các quân đoàn bộ binh 20, 23 và Quân đoàn xe tăng 41 (Đức) đã hoàn thành nhiệm vụ cản hậu, bảo đảm cho cuộc rút quân được diễn ra tương đối suôn sẻ.[88]

Những điểm yếu

Quân đội Đức Quốc xã trong chuỗi khủng hoảng sau thất bại trước cổng thành Moskva cuối năm 1941 đã tiếp tục thất bại và phải rút lui xa hơn khi quân đội Liên Xô liên tiếp mở hai chiến dịch phản công lớn từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1942. Việc chọn các tuyến sông Lama - Ruza - Nara làm tuyến phòng ngự cơ bản để chờ đợi qua mùa đông 1941-1942 đến mùa hè 1942 sẽ tiếp tục tấn công là một sai lầm có tính chủ quan của Hitler. Đây là những con sông hẹp, nông và thường đóng băng qua 3 đến 4 tháng mùa đông, riêng mùa đông 1941-1942, thời gian đóng băng lâu đến gần 5 tháng. Sai lầm về việc "không biết đến thời tiết" của Hitler đã làm cho quân đội Đức Quốc xã phải trả giá. Trong khi tuyến phòng thủ của Tập đoàn quân 9 và Tập đoàn quân xe tăng 3 trên bờ tây các tuyến sông Lama - Ruza - Nara chưa kịp củng cố thì bộ binh trượt tuyết, kỵ binh và xe tăng hạng nhẹ Liên Xô đã dễ dàng vượt qua mặt sông đóng băng và tấn công vào các công sự mới đắp bằng tuyết và gỗ của quân Đức, đẩy quân Đức lùi sâu về các tuyến sông Gzhatsk và Vazuza.[89]

Các chiến dịch tảo thanh hai khu vực Kholm ZhirkovskyDorogobuzh của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đều không được tiến hành đến nơi đến chốn. Chiến dịch Hannover chỉ thành công một nửa khi các quân đoàn cơ giới 47 và 57 chỉ đánh thiệt hại nặng mà không tiêu diệt được Tập đoàn quân 33 (Liên Xô) và đã để cho Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 cùng 3 lữ đoàn đổ bộ đường không Liên Xô thoát vây về hướng Đông Nam. Chiến dịch này mặc dù xóa được các khu du kích Liên Xô ở phía nam đường sắt Smolensk - Spas-Demensk nhưng không tiêu diệt được chủ lực của du kích. Sau thời gian "tạm lánh" sang phía bắc Smolensk, các nhóm du kích Liên Xô lại quay trở lại hoạt động mạnh hơn tại khu vực này, tiếp tục các hoạt động phá hoại, làm rối loạn hậu phương của Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Thậm chí biến hậu phương đó trở thành "chiến tuyến thứ hai". Các hoạt động của quân du kích phối hợp với các đơn vị biệt kích dù Liên Xô trong năm 1942 tại khu vực Rzhev-Vyazma đã gây thương vong cho hơn 15.000 sĩ quan và binh kích Đức.[90] Chiến dịch Seydlitz cũng chỉ thành công một nửa khi tướng Heinrich von Vietinghoff tuyên bố "hạ màn vở kịch" vào ngày 12 tháng 7. Trong khi đó thì vẫn còn hàng chục vạn quân Liên Xô và du kích tiếp tục chiến đấu, phá vây về hướng Tây và đông bắc, những nơi chỉ có các đội trắc vệ Đức mỏng yếu đóng giữ. Kết quả là bộ khung cơ bản cùng hàng vạn quân của Tập đoàn quân 39 (Liên Xô) vẫn thoát vây.[11]

Trong mùa đông 1942-1943, mặc dù Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) giành được thắng lợi trong chiến dịch phòng ngự chống lại Cuộc hành quân "Sao Hỏa" của quân đội Liên Xô nhưng đó chỉ là một thắng lợi có tính chiến thuật. Thắng lợi đó phải trả bằng cái giá đắt hơn nhiều lần do thất bại có tính chiến lược của Tập đoàn quân 6 (Đức) tại mặt trận Stalingrad và các thất bại của Cụm tập đoàn quân B ở trung lưu sông Đông trong Chiến cục Đông-Xuân 1943. Sau chiến dịch này, quân đội Đức Quốc xã cũng không còn đủ sức tấn công trên khu vực Rzhev-Vyazma.[58] Sự dùng dằng trong xử lý chiến lược của Hitler cùng Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã giữa Moskva và Kursk một lần nữa khiến quân đội Đức Quốc xã phả trả giá đắt. 16 sư đoàn được rút ra để tăng viện cho cánh quân Bắc Kursk không những đã không đem lại thành công cho Chiến dịch "Thành trì" mà còn làm cho cái "nền tảng của mặt trận phía đông" sụp đổ, tạo tiền đề cho những thất bại tiếp theo của quân đội Đức Quốc xã trong các trận đánh của Chiến dịch Smolensk (1943).[89]

Ảnh hưởng

Về quân sự

Hoạt động quân sự tại khu vực Rzhev-Sychyovka-Vyazma đã giam chân tại đây 4 tập đoàn quân bộ binh và 2 tập đoàn quân xe tăng (không kể tập đoàn quân xe tăng 4) của quân đội Đức Quốc xã trong hơn một năm. Trong đó, Tập đoàn quân 9 và Tập đoàn quân xe tăng 2 là các đơn vị phải bổ sung, thay thế quân số nhiều lần trước khi được rút ra để ném vào mặt trận Kursk. quân đội Liên Xô cũng buộc phải duy trì tại khu vực này 16 đến 18 tập đoàn quân, trong đó Phương diện quân Tây có 9 tập đoàn quân. Tuy nhiên, do lực lượng dự bị dồi dào, quân đội Liên Xô vẫn có thể duy trì binh lực này đến giai đoạn cuối năm 1943, trừ trường hợp Tập đoàn quân xung kích 1 được rút ra để tăng cường cho cánh phải của Phương diện quân Kalinin. Hậu quả của các chiến dịch tại khu vực đã làm cho quân đội cả hai bên bị thiệt hại nặng trong các trận đánh giằng co đẫm máu. Cuối cùng là quân đội Đức Quốc xã phải từ bỏ hoàn toàn âm mưu đánh chiếm Moskva, quân đội Liên Xô chiếm lĩnh các bàn đạp có lợi để tiếp tục tổ chức các chiến dịch tấn công về phía tây.

Về chính trị

Việc quân đội Liên Xô xóa bỏ bàn đạp Rzhev-Sychyovka-Vyazma đã làm tăng thêm tín nhiệm của các nước đồng minh chống phát xít đối với Liên Xô. Sau khi quân đội Liên Xô hoàn toàn làm chủ khu vực Rzhev-Vyazma, ngày 4 tháng 3 năm 1943, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã gửi điện chúc mừng đến Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô I. V. Stalin. Bức điện có đoạn viết:

Xin vui lòng chấp nhận lời chúc mừng nồng nhiệt nhất của tôi về việc giải phóng Rzhev. Tại các cuộc thảo luận giữa chúng ta hồi tháng Tám [năm 1942], tôi biết tầm quan trọng của việc giải phóng khu vực mặt trận đó đối với các bạn.
— Winston Churchill - Thủ tướng Anh Quốc[91]

Đối với quân đội Đức Quốc xã tại khu vực Rzhev-Vyazma, tinh thần chiến đấu và tính kỷ luật của nó giảm theo thời gian. Ban đầu, được giáo dục bởi 4 nguyên tắc: "Người Đức" (nói về sự cần thiết phải bảo vệ và tôn vinh chủng tộc Aryan thượng đẳng); "Đế chế Đức" (nói về sự cần thiết của lực lượng vũ trang trong việc bảo vệ Đảng Quốc xã và Nhà nước Đức); "Không gian sinh tồn" (nói về sự cần thiết phải mở rộng không gian sống của người Đức để phát triển chủng tộc Aryan, bài trừ các chủng tộc khác); "Đối thủ trên mặt trận" (nói về nghĩa vụ và danh dự của quân nhân Đức trong cuộc chiến đấu theo lý tưởng của chủ nghĩa Quốc gia Xã hội - NAZI); sĩ quan và binh lính Đức chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ và kỷ luật cao. Nhưng cùng với những thất bại liên tiếp trên chiến trường Xô-Đức nói chung và trên mặt trận Rzhev-Vyazma nói riêng, tinh thần ấy đã bắt đầu sa sút. Hiện tượng đào ngũ về hậu phương hoặc đào tẩu sang phía quân đội Liên Xô đã xuất hiện và không còn là cá biệt. Đặc biệt, sự cộng tác của Thượng tướng Pháo binh Walther von Seydlitz-KurzbachThiếu tướng, tiến sĩ Otto Korfes sau khi bị bắt ở mặt trận Stalingrad với quân đội Liên Xô trong khuôn khổ "Phong trào liên minh Sĩ quan Đức giải phóng nước Đức" đã làm cho tinh thần của sĩ quan và binh lính Đức hoang mang. Từ tháng 3 năm 1943, các đội mật vụ của Gestapo, các sĩ quan SS được bố trí ở khắp các trung đoàn, sư đoàn Đức để ngăn chặn các hành vi mà Hitler gọi là "phản nghịch" của sĩ quan và binh lính Đức.[92]

Tổn thất dân sự

Người dân Liên Xô đứng trước những gì còn lại của ngôi nhà của họ

Thành phố Rzhev có hơn 56.000 dân trước chiến tranh thì sau cuộc chiến, đến ngày 3 tháng 3 năm 1943 (ngày giải phóng thành phố) chỉ còn lại 150 người, nếu kể cả khu vực ngoại ô là 326 người. Hơn 20.000 người dân đã chết trong thời gian chiến sự. Số còn lại bị đưa sang các Holocaust ở Đức và Đông Âu. Trong số 5.443 ngôi nhà trước chiến tranh thì đến tháng 3 năm 1943 chỉ còn lại 297 ngôi nhà. Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp Nga đã đưa ra đánh giá tổng thiệt hại của thành phố Rzhev trong chiến tranh là hơn nửa tỷ Rub theo thời giá 1941.[93]

Thành phố Vyazma cũng gần như bị phá hủy hoàn toàn trong thời gian chiến sự. Trong thời gian chiếm đóng Vyazma, quân đội Đức Quốc xã đã lập hai trại giam lớn tại đây mang số hiệu Dulag số 184 và Dulag số 230. Chúng được gọi là các "trại tử thần". Đối tượng giam giữ bao gồm cả tù binh và dân thường Liên Xô trong các khu vực Smolensk, Nelidovo, Rzhev, Zubtsov, Gzhatsk, Sychyovka...[94] Theo hồ sơ mà cơ quan SMERSH (Liên Xô) thu được sau khi quân Đức rút chạy, đã có 5.500 người chết vì các vết thương. Trong mùa đông 1941-1942, mỗi ngày đã có trung bình 300 người bị giam giữ bị chết bệnh, chết rét, chết đói, chết vì bị tra tấn và các nguyên nhân khác. Sau chiến tranh, tại hai trại này, người ta phát hiện được 45 hố chôn tập thể có kích thước 4 x 100 m, trong đó có từ 70.000 đến 80.000 xác người không xác định được danh tính.[95] Trong số người bị giam giữ tại trại số 230, quân Đức phát hiện có 8 lãnh đạo chính trị địa phương, 60 chính ủy, chính trị viên quân đội Liên Xô và 117 người Do Thái. Tất cả họ đều bị quân Đức xử bắn hoặc treo cổ.[96]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt_trận_Rzhev-Sychyovka-Vyazma http://www.historynet.com/film-spurs-russia-to-squ... http://rus-sky.com/history/library/w/ http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://webteleradio.com/movies/archives/2651 http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec43.html http://www.youtube.com/watch?v=W_DG9Wm2H28&feature... http://www.youtube.com/watch?v=nE1F3C3gn_E&feature... http://dulag184.vyazma.info/ http://actualhistory.ru/isaev-rzhev2